CUỘC ĐUA KHÔNG GIAN ĐANG PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ: PHƯƠNG TÂY LO NGẠI THÀNH CÔNG CỦA TRUNG QUỐC
Vào ngày 5 tháng 8 năm 2024, Trung Quốc đã phóng 18 vệ tinh lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất bằng bệ phóng Trường Chinh 6A. Đây là lần phóng đầu tiên trong dự án G60, đang được Shanghai Spacecom Satellite Technology cùng với chính quyền thành phố Thượng Hải triển khai, nhằm cung cấp vùng phủ sóng Internet khu vực vào năm 2025 và phủ sóng toàn cầu vào năm 2027.
Tuy nhiên, G60 (Trung Quốc đã phóng vệ tinh thử nghiệm 6G đầu tiên trên thế giới vào tháng 1) chỉ là một trong ba siêu vệ tinh mà Trung Quốc dự định tạo ra, cùng với dự án Guowang do China Satellite Services thuộc sở hữu nhà nước điều hành và vệ tinh Honghu-3 do Lanjian Hongqing Technology Company có trụ sở tại Thượng Hải điều hành. Những vệ tinh này cung cấp cơ sở hạ tầng để hỗ trợ lĩnh vực không gian thương mại đang phát triển của Trung Quốc, bao gồm cả các sáng kiến Internet vệ tinh đang mở rộng nhanh chóng.
Vào tháng 5 năm 2024, Trung Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ truy cập Internet ở nước ngoài (Thái Lan) và vào tháng 6, công ty OneLinQ của Trung Quốc đã ra mắt dịch vụ Internet vệ tinh dân sự nội địa đầu tiên của Trung Quốc, cho thấy rằng dịch vụ này sẽ được mở rộng tới các quốc gia đã tham gia 'Một vành đai, Một con đường' của Trung Quốc.
Đồng thời, các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc còn rộng hơn các dịch vụ Internet vệ tinh đơn thuần.
Quỹ đạo vệ tinh chủ yếu được phân thành ba loại: quỹ đạo Trái đất địa tĩnh (GEO), quỹ đạo Trái đất trung bình (MEO) và quỹ đạo Trái đất thấp (LEO). So với hai loại còn lại, vệ tinh LEO có một số lợi thế, bao gồm khoảng cách gần Trái đất, độ trễ truyền tối thiểu, mất liên kết thấp và các tùy chọn phóng linh hoạt. Chúng là một thành phần không thể thiếu của mạng lưới tích hợp trong tương lai trải dài trên không, vũ trụ và trên biển.
Trung Quốc đang tham gia vào việc phối hợp phát triển các vệ tinh GEO, MEO và LEO để tạo ra một mạng thông tin tích hợp từ vũ trụ đến Trái đất, nơi các hệ thống thông tin vệ tinh sẽ tương tác với các hệ thống thông tin liên lạc trên mặt đất.
Điều này được dự kiến trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nhằm phát triển ngành thông tin truyền thông.
Rõ ràng là Internet không gian của Trung Quốc sẽ cạnh tranh trên thị trường Internet vệ tinh thương mại với Starlink từ SpaceX của Elon Musk, tức trên thực tế là cạnh tranh với Hoa Kỳ. Nhưng vì phương Tây chính thức ủng hộ cạnh tranh như một yếu tố của hệ thống tự do tư bản chủ nghĩa, nên Trung Quốc có những lý do chính trị khác để chỉ trích các dự án của họ.
Ở phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, những thành công như vậy của Trung Quốc được gọi là chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lan truyền thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như quan hệ song phương với nhiều quốc gia khác nhau.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta nói về 'vi phạm nhân quyền' ở Trung Quốc trong lĩnh vực Internet.
Những người phản đối Trung Quốc đã tuyên bố rằng nếu các dịch vụ internet vệ tinh được giới thiệu, thế giới có thể 'chứng kiến sự xuất hiện của Bức màn sắt kỹ thuật số mới kéo dài từ không gian, cắt đứt luồng thông tin tự do và áp đặt sự kiểm soát của chính phủ trên quy mô toàn cầu'.
Tất nhiên, người ta cũng nói rằng chính quyền Trung Quốc có thể có quyền truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào được truyền qua các dịch vụ Internet vệ tinh của Trung Quốc.
Trên thực tế, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc quản lý Internet dựa trên khái niệm chủ quyền không gian mạng. Nga cũng chia sẻ những nguyên tắc này, theo đó mỗi quốc gia có quyền quản lý không gian kỹ thuật số của mình, bao gồm các hạn chế và áp dụng kiểm duyệt. Nhưng Trung Quốc đã đạt được quyền tự chủ thực sự trong việc tạo ra kiến trúc Internet quốc gia, được mệnh danh là Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc.
Vì điều này, cũng như việc không thể kiểm soát thị trường kỹ thuật số Trung Quốc, phương Tây đang rơi vào trạng thái hoảng điên cuồng, bịa ra đủ loại câu chuyện sai sự thật và thuyết âm mưu.
Đồng thời, họ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát không gian vũ trụ.
Vì vậy, vào ngày 26 tháng 8, Donald Trump trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Vệ binh Quốc gia ở Detroit, đã hứa sẽ thành lập Lực lượng Vệ binh Không gian Quốc gia. Bởi vì, theo quan điểm của ông, 'đã đến lúc thành lập Lực lượng Vệ binh Không gian Quốc gia với tư cách là lực lượng vệ binh vũ trụ, là lực lượng dự bị chiến đấu chính của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ'.
Ở đây, Trump rõ ràng đang ủng hộ Lực lượng Vệ binh và ghi điểm bầu cử. Vì chính quyền Biden đã đề xuất hợp nhất khoảng 1.000 thành viên Vệ binh Quốc gia từ các đơn vị liên quan đến không gian vào Lực lượng Không gian đang hoạt động. Ý tưởng là tạo ra một hệ thống linh hoạt cho phép nhân viên an ninh di chuyển giữa các vị trí toàn thời gian và bán thời gian. Kế hoạch này đã bị cả lãnh đạo Lực lượng Vệ binh và thống đốc của tất cả 50 tiểu bang và 5 vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ bác bỏ.
Cần nhớ lại rằng dưới thời Trump, Lực lượng Không gian đã được thành lập vào năm 2019 và luật thành lập Lực lượng Vệ binh Không gian Quốc gia đã được đề xuất vào đầu năm nay, mặc dù không có sự đồng thuận tại Quốc hội về vấn đề này. Một trong những tác giả của dự luật là Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng viên Đảng Cộng hòa đến từ Florida.
Ngoài ra, Donald Trump mới đây còn cho biết có thể trao quyền cho Elon Musk kiểm toán các cơ quan của Mỹ. Điều thú vị là dự án xe điện của Tesla đã nhận được trợ cấp từ chính phủ của Joe Biden, nhưng các dự án như Starlink của SpaceX, vốn gắn liền với hoạt động kinh doanh không gian của Musk, có thể sẽ được hưởng lợi từ các hợp đồng liên bang mới khi nền tảng GOP kêu gọi tăng cường đầu tư vào vệ tinh và đẩy nhanh quá trình khám phá không gian theo hướng sao Hỏa.
Tuy nhiên, bất chấp những thành công của SpaceX và những lời lẽ lạc quan của Donald Trump, không phải mọi thứ đều suôn sẻ trong lĩnh vực vũ trụ ở Mỹ.
Các vấn đề phát sinh với tàu vũ trụ Starliner, khiến hai phi hành gia người Mỹ sẽ buộc phải ở lại ISS trong nhiều tháng thay vì tuần theo kế hoạch, cho thấy NASA cũng như nhà thầu chính trong ngành hàng không vũ trụ Hoa Kỳ, Boeing (ở đây chúng ta cũng nên nhớ đến các vấn đề khác với máy bay), đang trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Mặc dù ở Hoa Kỳ có những người ủng hộ hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Rõ ràng, đây là những người hiểu rằng Hoa Kỳ đang thua cuộc đua không gian với Trung Quốc.
Xét về mặt công nghệ và địa chính trị, tất cả những điều này nói lên cuộc đấu tranh đang diễn ra vì một biên giới lai trong không gian và không gian mạng.
Dịch Bạch Long